Tại sao tôi viết – George Orwell

Từ khi còn rất nhỏ, có lẽ là 5 hay 6 tuổi gì đó, tôi đã biết rằng khi lớn lên tôi sẽ trở thành một người cầm bút. Ở vào tuổi 15 tới 24, tôi đã cố gắng loại bỏ suy nghĩ đó nhưng với ý thức rằng tôi đang đi ngược lại bản chất thực sự của mình và rằng dù sớm hay muộn, tôi cũng sẽ phải ổn định mọi thứ và bắt đầu viết sách.

Là con thứ 2 trong một gia đình 3 người con nhưng khoảng cách 5 năm với các anh chị em cùng với việc hiếm khi nhìn thấy bố cho tới khi 8 tuổi và một số lý do khác khiến tôi, theo một cách nào đó, khá cô đơn. Ngay từ nhỏ, tôi đã có lối cư xử không được ôn hòa và điều đó khiến mọi người không ưa tôi trong suốt quãng thời gian đi học. Tôi có thói quen của những đứa trẻ cô đơn, hay tự kể những câu chuyện của riêng mình và nói chuyện với những người bạn tưởng tượng. Tôi cũng nghĩ rằng ngay từ đầu, tham vọng văn chương của tôi đã hòa quyện với cảm giác bị cô lập và đánh giá thấp.

Tôi biết rằng mình có khả năng với những con chữ và sức mạnh đối mặt với những sự thực phũ phàng, điều này tạo nên một thế giới riêng mà trong đó, tôi có thể tự trừng phạt những sai lầm của mình. Dù vậy thì những gì tôi viết được một cách nghiêm túc – nghiêm túc một cách có chủ đích – trong suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu của mình chẳng được nổi 6 trang giấy.

Tôi viết bài thơ đầu tiên khi 4 hay 5 tuổi gì đó và mẹ là người ghi lại cho tôi. Tôi không thể nhớ được bất cứ điều gì ngoại trừ việc nó nói về một con hổ với “hàm rằng như cái ghế” – một cụm từ cũng hay nhưng tôi nghĩ bài đó là đạo lại từ bài “Tiger, Tiger” của Blake. Năm 7 tuổi, chiến tranh 1914-1918 nổ ra, tôi viết một bài thơ yêu nước sau được in trên tờ báo địa phương, và một bài khác nói về cái chết của Kitchener sau đó 2 năm.
Theo thời gian, tôi lớn lên và viết cũng tệ hơn, thường thì không thể hoàn thành được những “bài thơ bản chất” phong cách Georgian của mình. Tôi cũng cố viết truyện ngắn nhưng chúng cũng thất bại kinh khủng. Đó là tất cả những gì được cho là nghiêm túc mà tôi đã viết được trong suốt những năm đó.

Tuy vậy, trong suốt thời gian đó, tôi cũng có tham gia vào các hoạt động văn học. Ban đầu là những sản phẩm đặt hàng mà tôi viết rất nhanh, dễ dàng và bản thân không mấy hài lòng. Bên cạnh việc học ở trường, tôi có viết ver d’occasion – một thể loại thơ pha hài – mà với tôi bây giờ thì thực là một tốc độ viết đáng kinh ngạc. Ở tuổi 14, tôi đã viết nguyên cả một vở kịch có vần, bắt chước Aristotle, chỉ trong có một tuần.

Ngoài ra tôi cũng có giúp biên tập tạp chí của trường, trên cả bản in và bản viết tay. Những tạp chí này thuộc dạng những thứ khôi hài nhỏ nhặt nhất mà bạn có thể tưởng tượng được. Những vấn đề tôi gặp phải với chúng còn thua xa những gì tôi có thể gặp phải bây giờ với loại báo chí rẻ tiền nhất. Nhưng bên cạnh tất cả những việc nói trên, trong vòng 15 năm hoặc hơn, tôi đã không ngừng thực hành một bài tập văn chương khá khác biệt: đó là tự viết nên “một câu chuyện” về chính mình, một dạng nhật ký chỉ tồn tại trong suy nghĩ của tôi mà thôi. Tôi tin rằng đây là thói quen phổ biến của nhiều trẻ em và thanh thiếu niên.

Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường tưởng tượng rằng mình là Robin Hood và tự vẽ nên hình ảnh mình sắm vai người anh hùng trong những cuộc phiêu lưu ly kỳ. Nhưng rất nhanh chóng, “câu chuyện” của tôi trở nên ái kỉ một cách rất thô, dần dần chúng biến thành những đoạn mô tả đơn thuần những gì tôi làm hay những gì tôi thấy. Trong vài phút, những hình ảnh như thế này chạy qua đầu tôi: “Anh ta đẩy cửa và bước vào phòng. Một tia nắng vàng rọi qua rèm cửa bằng vải muslin, chênh chếch lên mặt bàn đang đặt một chiếc hộp đồ chơi mở nửa nằm bên cạnh một lọ mực. Anh ta đút tay phải vào túi và đi về phía cửa sổ. Dưới đường, một con mèo đốm vàng đang đuổi theo một chiếc lá khô”… Thói quen này theo tôi cho tới tuổi 25, đi cùng tôi suốt những năm tháng không-văn-chương. Dù tôi đã tìm kiếm, thực sự tìm kiếm từ chính xác nhất, tôi vẫn thấy nỗ lực mô tả ấy đi ngược lại mong muốn của mình, như thể chúng đến từ một sự ép buộc nào đó ở bên ngoài. Tôi nghĩ “câu chuyện” phải phản chiếu phong cách viết của nhiều nhà văn mà tôi ngưỡng mộ ở những độ tuổi khác nhau, nhưng những gì mà tôi nhớ được thì chúng luôn có một kiểu mô tả chi tiết giống nhau như đúc.

Vào khoảng 16 tuổi, tôi bỗng khám phá ra niềm yêu thích với những từ đơn giản, đó là âm thanh và mối liên hệ giữa các từ. Những vần thơ từ “Thiên đường mất tích” giờ đối với tôi không phải quá tuyệt vời, nhưng chúng khiến tôi thấy rất thú vị, đánh vần “hee” thay cho “he” càng khiến tôi thêm phần thích thú.

So hee with difficulty and labour hard
Moved on: with difficulty and labour hee.

Tôi cũng đã biết về nhu cầu miêu tả mọi thứ của mình. Loại sách mà tôi muốn viết vì thế cũng trở nên rõ ràng, đó là nếu tôi muốn viết sách vào thời điểm đó. Tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết thật tự nhiên với cái kết không hạnh phúc, nhiều chi tiết mô tả, những ví von hấp dẫn và cả những đoạn văn hoa mỹ mà trong đó, từ ngữ được sử dụng một phần vì âm thanh mà chúng tạo ra. Sự thật thì cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi hoàn thành mang tên “Những ngày ở Miến Điện” (“Burnese Days”) được tôi viết ở tuổi 30 dù đã lên kế hoạch từ trước đó rất lâu cũng phần nào thuộc kiểu sách như thế.

Tôi đưa ra những thông tin nền này bởi tôi không nghĩ rằng ai đó lại có thể đánh giá được động cơ của nhà văn mà không biết gì về giai đoạn phát triển khởi thủy của người đó. Những chủ đề quan trọng với một nhà văn được xác định bởi thời đại mà anh ta sinh sống, ít nhất thì điều này cũng đúng trong thời đại cách mạng nhiều náo động như của chúng tôi. Nhưng trước khi viết, anh ta phải có được thái độ xúc cảm mà anh ta không bao giờ có thể hoàn toàn trốn thoát được. Không nghi ngờ gì rằng công việc của anh ta là đi theo khí chất của mình, tránh không mắc kẹt trong một giai đoạn chưa trưởng thành hay một kiểu cảm xúc ngoan cố nào đó; nhưng nếu anh ta thoát ra khỏi những gì đã ảnh hưởng lên mình ngay từ đầu thì anh ta cũng sẽ giết chết động lực viết của mình.

Đặt nhu cầu kiếm sống sang một bên, tôi cho rằng có 4 động cơ lớn để viết, với bất kì dạng văn xuôi nào. Với mỗi nhà văn, chúng xuất hiện với các cấp độ khác nhau và ngay cả bên trong một nhà văn, tỉ lệ giữa những động cơ này cũng thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào không gian mà anh ta sống.

(i) Thể hiện bản ngã thuần túy: mong muốn được tỏ ra thông minh, được mọi người bàn tán, được nhớ về sau khi chết, trả thù những kẻ đã coi thường mình khi còn nhỏ… Sẽ là nói dối nếu cho rằng đây không phải là một động cơ, mà còn là một động cơ rất mạnh. Nhà văn có chung đặc điểm này với nhà khoa học, nghệ sĩ, chính trị gia, luật sư, sĩ quan, thương nhân thành công – hay nói ngắn gọn là những tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Số đông mọi người trong xã hội không thực sự quá vị kỉ. Sau tuổi 30, họ hầu như bỏ hẳn ý nghĩ sống cá nhân mà chủ yếu sống cho người khác hoặc đơn giản là nghẹt thở giữa những công việc nhàm chán. Nhưng cũng có số ít những người tài năng chủ tâm quyết định sống cuộc sống mình đã chọn cho tới tận cuối đời. Các nhà văn thuộc vào dạng này. Tôi phải nói rằng, những nhà văn thực sự về tổng thể tự cho mình là trung tâm và tự phụ hơn các nhà báo, dù là họ ít chú trọng tới vấn đề tiền bạc hơn.
(ii) Hăng say tìm kiếm cái đẹp: nhận thức về cái đẹp của thế giới, hoặc nói cách khác, trong từ ngữ và cách sắp xếp từ ngữ của riêng họ. Vui thích khi âm thanh của từ này ảnh hưởng lên từ khác, vì sự vững chãi của một đoạn văn tốt hay nhịp điệu của một câu chuyện hay. Khát vọng chia sẻ trải nghiệm mình có được, cho rằng nó đáng giá và không nên bị bỏ quên. Với nhiều nhà văn thì động cơ thẩm mỹ rất yếu ớt, nhưng thậm chí một người viết sách chuyên đề hay sách giáo khoa cũng có những từ ngữ hay cụm từ yêu thích, hấp dẫn với anh ta mà không vì một lý do thực dụng nào; hoặc có thể anh ta có cảm giác chắc chắn về hình thức in, độ rộng của lề… Trên mức của một cuốn sách hướng dẫn đi tàu thì không một cuốn sách nào là thực sự không cân nhắc gì tới thẩm mỹ.
(iii) Sự thôi thúc của lịch sử: mong muốn được thấy mọi vật theo đúng bản chất của chúng, tìm ra sự thật và lưu trữ chúng cho đời sau.
(iv) Mục đích chính trị: tôi dùng từ “chính trị” theo nghĩa rộng nhất có thể. Khát vọng đưa thế giới đi theo những hướng nhất định, thay đổi suy nghĩ của con người về hình thái xã hội mà họ nên nỗ lực đạt được. Một lần nữa phải nói rằng, không một cuốn sách nào hoàn toàn không có thành kiến chính trị. Ý kiến cho rằng nghệ thuật không liên quan gì tới chính trị bản thân nó cũng chính là một thái độ chính trị.

Có thể thấy rằng những động cơ này đấu tranh với nhau như thế nào và thay đổi ra sao theo thời gian cũng như với từng nhà văn khác nhau. Về bản chất – tôi đang nói tới “bản chất” là trạng thái khi bạn lần đầu tiên làm người trưởng thành – thì tôi là người chịu ảnh hưởng của 3 động cơ đầu tiên hơn là động cơ thứ 4. Vào thời bình, tôi có thể viết các tác phẩm công phu hoặc sách miêu tả đơn thuần và cứ tiếp tục không ý thức gì về lòng trung thành chính trị của mình. Như thế, tôi đã buộc trở thành một kiểu người viết chuyên đề.

5 năm đầu tiên, tôi làm một công việc không phù hợp (cảnh sát hoàng gia Ấn Độ ở Miến Điện), sau đó trải qua thời kì nghèo đói và cảm giác về sự thất bại. Điều này khiến tôi trở nên ghét cơ quan công quyền và lần đầu tiên trong đời hoàn toàn ý thức về sự tồn tại của tầng lớp công nhân. Công việc ở Miến Điện cũng giúp tôi phần nào hiểu về chủ nghĩa đế quốc. Nhưng những trải nghiệm đó không đủ để cho tôi một định hướng chính trị chính xác. Sau đó là sự xuất hiện của Hitler, chiến tranh dân sự Tây Ban Nha… Cuối năm 1935, tôi vẫn không thể đưa ra quyết định chắc chắn. Tôi nhớ có một bài thơ tôi đã viết vào thời đó, bày tỏ tình thế dùng dằng của mình:

Tôi có thể là một người cha xứ hạnh phúc
Cách đây hai trăm năm
Giảng đạo về ngày tận thế vĩnh cửu
Và ngắm nhìn những cây óc chó lớn lên.

Nhưng than ôi lại sinh ra chẳng hợp thời
Tôi đã không có được nơi trú ẩn bình yên ấy
Bởi râu mọc đầy ở môi trên
Trong khi cả giáo xứ đều mày râu nhẵn nhụi

Về sau mọi thứ đều ổn
Chúng tôi rất dễ hài lòng
Ru những lo lắng của mình tới khi thiếp đi
Dưới sự bao bọc của những cái cây

Tất cả những sự ngu dốt mà chúng tôi dám giữ
Những niềm vui thích mà chúng tôi giấu đi
Con chim sẻ xanh trên cành táo
Đều khiến kẻ thù của tôi phải run sợ.

Nhưng vòng eo của các cô gái và những quả mơ
Những con cá trong dòng suối râm mát
Những con ngựa, đàn vịt bay trong ánh bình minh
Tất cả chỉ là một giấc mơ.

Giấc mơ một lần nữa lại bị cấm
Chúng tôi cắt xén niềm vui thích của mình hoặc giấu chúng đi
Những con ngựa làm bằng thép crom
Và một người đàn ông nhỏ nhắn béo tròn sẽ cưỡi chúng.

Tôi là một con giun không bao giờ quay đầu
Một tên hoạn quan chẳng có hậu cung
Giữa một thầy tu và một chính ủy
Tôi bước đi như Eugene Aram

Viên chính ủy cho tôi biết vận mệnh mình
Trong khi chiếc radio đang phát
Nhưng người thầy tu hứa hẹn một chiếc Austin 7
Bởi Duggie sẽ thanh toán hết.

Tôi mơ mình trú dưới một đại sảnh bằng đá cẩm thạch
Rồi tôi thức giấc và nhận ra đó là sự thực
Tôi đã không sinh ra vào một thời đại như thế này
Đó là Smith? Là Jones? Hay là bạn?

George Orwell The further a society drifts from truth

Chiến tranh Tây Ban Nha và những sự kiện khác trong giai đoạn 1936-1937 đã thay đổi bàn cân và sau đó, tôi biết mình chọn gì. Mỗi dòng tôi viết trong những tác phẩm năm 1936, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều chống lại chủ nghĩa toàn trị và ủng hộ chủ nghĩa xã hội dân chủ, theo như những gì tôi hiểu về chúng. Ở vào giai đoạn như của chúng tôi, dường như thật chẳng nghĩa lý gì khi ai đó lại có thể tránh viết về những chủ đề như thế. Mọi người đều viết về chúng, dù biến tướng theo cách này hay cách khác. Đó đơn giản là câu hỏi anh chọn bên nào và đi theo cách tiếp cận nào. Một người càng ý thức về thiên hướng chính trị của mình thì càng có cơ hội hành động chính trị mà không phải hy sinh sự chính trực về thẩm mỹ hay trí tuệ của mình.

Những gì tôi muốn làm nhất trong 10 năm đó là biến những tác phẩm chính trị thành nghệ thuật. Ban đầu, tôi luôn có cảm giác thiên vị, bất công. Mỗi khi ngồi xuống viết sách, tôi không tự nói với mình rằng “Mình đang chuẩn bị tạo nên một tác phẩm nghệ thuật”. Tôi viết bởi có những lời nói dối tôi muốn phô bày hay những sự thực mà tôi muốn mọi người chú ý và mối quan tâm đầu tiên của tôi là được lắng nghe. Nhưng tôi lại không thể viết sách, hay thậm chí là một bài tiểu luận trên tạp chí, nếu đó không phải là một trải nghiệm về thẩm mỹ. Bất cứ ai quan tâm nghiên cứu tác phẩm của tôi cũng sẽ thấy rằng, dù chúng hoàn toàn mang tính tuyên truyền nhưng cũng chứa nhiều điều mà một chính trị gia sẽ thấy không liên quan.

Tôi không thể và cũng không muốn loại bỏ hoàn toàn thế giới quan mà mình có được từ nhỏ. Còn sống thì tôi còn tin tưởng chắc chắn vào phong cách văn xuôi của mình, còn yêu bề mặt Trái đất, vui thú với những đồ vật và những mẩu thông tin không giá trị gì. Cố dập tắt phần đó trong tôi cũng chẳng ích gì. Công việc bây giờ là phải dung hòa những gì tôi thích và không thích đã ăn sâu trong con người tôi với những hoạt động công chúng mà thời đại đè lên tất cả chúng tôi.

Điều đó không dễ dàng chút nào. Nó mở ra vấn đề xây dựng ngôn ngữ và một vấn đề mới về tính chân thực. Tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản về những khó khăn này. Cuốn sách về chiến tranh Tây Ban Nha mang tên Catalonia – tình yêu của tôi (Homage to Catalonia), tất nhiên là một cuốn sách chính trị nhưng nói chung nó được viết một cách khách quan và cũng chú ý đến hình thức ở một mức độ nhất định. Tôi đã rất cố gắng để kể toàn bộ sự thật mà không xâm phạm bản năng văn chương vốn có của mình. Nhưng ngoài những đoạn khác, cuốn sách còn có một chương dài với đầy những trích dẫn báo chí và những thứ tương tự, bảo vệ nhóm Trotskyist – những người bị cáo buộc âm mưu với Franco. Rõ ràng là một chương như vậy, sau một hai năm không còn độc giả bình thường nào quan tâm, sẽ phá hủy cuốn sách.
Một nhà phê bình mà tôi rất kính trọng đã cho tôi cả một bài thuyết giảng về nó. Ông ấy nói: “Tại sao anh lại cho những thứ đó vào cuốn sách?”, “Nó có thể là một cuốn sách hay nhưng anh đã biến nó thành báo chí rồi”. Tôi biết ông ấy nói đúng nhưng tôi cũng không thể làm khác được. Tình cờ tôi biết rằng rất ít người Anh biết tới chuyện đó và người đàn ông vô tội đó đã bị cáo buộc sai. Nếu không tức giận vì chuyện đó thì tôi sẽ chẳng bao giờ viết cuốn sách này.

Dưới hình thức này hay hình thức khác, vấn đề lại xuất hiện lần nữa. Vấn đề ngôn ngữ có phần mơ hồ hơn và cũng mất nhiều thời gian thảo luận. Tôi sẽ chỉ nói rằng những năm về sau, tôi đã cố viết ít mỹ miều hơn và thay vào đó là chính xác hơn. Trong bất kì trường hợp nào, tôi nhận ra rằng theo thời gian, khi bạn đã đạt tới độ hoàn hảo với bất kì phong cách viết nào thì bạn sẽ vượt lên trên nó. “Trại súc vật” (Animal Farm) là cuốn sách đầu tiên tôi cố gắng dung hòa mục đích chính trị và nghệ thuật vào một tác phẩm với ý thức đầy đủ về những gì mình đang làm. Tôi đã không viết tiểu thuyết trong 7 năm nhưng tôi hy vọng sẽ sớm viết một cuốn khác. Chắc chắn đó sẽ là một thất bại, mỗi cuốn sách là một sự thất bại, nhưng tôi cũng biết rõ mình muốn viết kiểu sách nào.

Nhìn lại một hai trang cuối, tôi thấy dường như mình đã nói như thể động cơ viết của tôi toàn bộ là một tinh thần công chúng. Tôi không muốn đó là ấn tượng sau cùng. Tất cả các nhà văn đều tự phụ, ích kỉ, lười biếng và sâu thẳm trong động cơ của họ đều ẩn chứa những điều bí ẩn. Viết sách là một cuộc đấu tranh kinh khủng, khiến người ta mệt mỏi, như một cơn bệnh đau đớn dài đằng đẵng. Một người sẽ không bao giờ đảm đương công việc đó nếu không bị một con quỷ mà họ không thể kháng cự và cũng không thể hiểu được dẫn lối. Mặc dù anh ta biết rằng con quỷ chỉ đơn giản là một bản năng tự nhiên tương tự như thứ khiến các em bé khóc lên để được chú ý. Cũng đúng khi nói rằng một người sẽ không thể viết ra thứ gì có thể đọc được nếu anh ta không ngừng đấu tranh để xóa đi cá tính riêng của mình.
Một tác phẩm văn xuôi hay cũng như một khung kính cửa sổ. Tôi không thể nói chắc rằng động cơ nào của mình là mạnh nhất, nhưng tôi biết động cơ nào đáng để đi theo. Nhìn lại những gì đã viết, tôi thấy chúng lúc nào cũng thiếu một mục đích chính trị, khiến tôi viết nên những cuốn sách chết, bị phản bội bởi những đoạn văn trau chuốt, những câu văn vô nghĩa, những tính từ chỉ để trang trí và nói chung chỉ là bịp bợm./.

Orwell, G. 1946, Why I write, Gangrel, London.

Copyright © 1946 by George Orwell | Nguyễn Tùng Thúy dịch.

DMCA.com Protection Status